Nhu cầu tăng cao dẫn tới tồn kho dầu giảm mạnh, các nước phải tăng cường nhập khẩu để bù đắp vào các kho dầu chiến lược… trong khi nguồn cung bị thắt chặt đã tạo lực cộng hưởng hỗ trợ giá xăng dầu hôm nay đạt mức đỉnh 3 năm và ghi nhận tuần tăng giá thứ 5 liên tiếp của dầu thô.
Giá dầu thô bước vào tuần giao dịch từ ngày 21/6 với xu hướng tăng khi mà thị trường dầu thô tiếp tục ghi nhận tín hiệu tích cực mới về triển vọng cải thiện nhu cầu tiêu thụ toàn cầu khi mà các chương trình vắc-xin Covid-19 được đẩy mạnh, vượt kế hoạch đề ra, đặc biệt là tại Trung Quốc với hơn 1 tỷ liệu vắc-xin Covid-19 đã được triển khai.
Tại thời điểm đầu giờ sáng 21/6, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 71,55 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 73,72 USD/thùng.
Nhu cầu tiêu thụ dầu thô càng được củng cố khi mùa hè nắng nóng đang diễn ra và mùa du lịch tại nhiều quốc gia đang sôi động và nó đã kéo giá dầu ngày 22/6 tiếp tục tăng mạnh, trong đó dầu Brent đã lên mức 75 USD/thùng.
Các kho dự trữ dầu thô suy giảm buộc các nước phải trở lại thị trường dù giá dầu đang ở mức cao. Trong khi các nhà máy lọc dầu được dự báo sẽ phải hoạt động max công suất để đáp ứng các nhu cầu nhiên liệu của nền kinh tế.
OPEC đã dự báo nhu cầu dầu năm 2021 sẽ tăng 6,6% so với năm 2020. Xa hơn, OPEC dự báo nhu cầu dầu sẽ lên mức 101 triệu thùng vào quý IV/2022, cao hơn mức đỉnh được ghi nhận vào năm 2019.
Sản lượng dầu toàn cầu cũng được dự báo là đang trên đà suy giảm khi hoạt động dầu tư cho các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí những năm gần đây bị sụt giảm mạnh, các nhà sản suất dầu thô lớn thì cũng bắt đầu có sự dịch chuyển sang các sản phẩm năng lượng mới.
Ngoài ra, đồng USD suy yếu cũng là tác nhân hỗ trợ giá những mặt hàng được định giá bằng đồng bạc xanh như dầu thô đi lên.
Thông tin dự trữ dầu thô Mỹ giảm mạnh được Viện Xăng dầu Mỹ (API) phát đi tiếp tục cho thấy nhu cầu tiêu thụ trên thị trường đăng trên đà phục hồi, và điều này đã hỗ trợ giá dầu ngày 24/6 bật tăng mạnh.
Tính đến đầu giờ sáng 24/6, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 đứng ở mức 73,27 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 75,41 USD/thùng.
Một chút lo ngại về dịch Covid-19 với sự xuất hiện của biến chủng mới Delta ở châu Âu không đủ để tạo áp lực để cản bước giá dầu khi các dữ liệu được công bố cho thấy nhu cầu dầu thô toàn cầu đang có chiều hướng tăng mạnh, vượt xa khả năng cung ứng của thị trường.
Sự kỳ vọng về sự bổ sung nguồn cung dầu của Iran vừa được dấy lên thì gần như ngay lập tức đã bị dập tắt.
Khép tuần giao dịch, giá dầu ngày 27/6 ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 8/2021 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 74,00 USD/thùng, trong khi giá dầu Brent giao tháng 8/2021 đứng ở mức 76,11 USD/thùng.
Hiện thị trường dầu thô đang hướng sự chú ý vào cuộc họp chính sách của OPEC+ dự kiến diễn ra vào ngày 1/7 tới với sự quan tâm đặc biệt về việc OPEC+ liệu có gia tăng sản lượng khai thác hay không? Theo nhiều nguồn tin thì Nga đã có những động thái chính thức đề xuất tăng sản lượng khai thác để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tuy nhiên, Saudi Arabia, một thành viên có tiếng nói quan trọng của khối này, thì vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào về việc này.
Theo giới quan sát, nhiều khả năng OPEC+ sẽ chưa vội thay đổi chính sách cắt giảm sản lượng đang triển khai và cũng sẽ chưa vội tăng sản lượng khai thác khi mà các nguy cơ tiềm ẩn rủi ro với tăng trưởng kinh tế toàn cầu còn rất lớn. OPEC+ cần thêm dữ liệu và thời gian để kiểm chứng nhu cầu thực tế trên thị trường dầu thô.
Với nhận định như vậy, giá dầu hôm nay ghi nhận khả năng giá dầu thế giới tuần tới sẽ tiếp tục duy trì ở mức đỉnh 3 năm khi mà các nhân tố hỗ trợ trên thị trường vẫn đang được củng cố, thậm chí có chiều hướng gia tăng cả về cường độ lẫn quy mô khi ngày càng có nhiều nền kinh tế mở cửa trở lại, các biện pháp phong toả, cách ly xã hội được nới lỏng.
Tại thị trường trong nước, theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu, ngày 26/6, Liên Bộ Công Thương – Tài chính đã công bố giá cơ sở đối với các mặt hàng xăng dầu cho kỳ điều hành từ ngày 26/6.
Theo đó, Liên Bộ Công Thương – Tài chính quyết định tiếp tục không trích lập Quỹ bình bổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) đối với một số loại xăng dầu. Đồng thời chi sử dụng Quỹ BOG đối với mặt hàng xăng E5 RON 92 ở mức 1.500 đồng/lít, xăng RON 95 ở mức 500 đồng/lít, dầu diesel ở mức 100 đồng/lít, dầu hỏa và dầu mazut không chi.
Sau khi thực hiện việc trích lập và chi sử dụng Quỹ BOG, giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON 92 không cao hơn 19.760 đồng/lít; giá xăng RON 95 không cao hơn 20.916 đồng/lít; giá dầu diesel 0.05S không cao hơn 16.119 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 15.051 đồng/lít và giá dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 15.449 đồng/kg.