LNG là gì? LNG là viết tắt của Liquefied Natural Gas – dịch ra nghĩa là khí thiên nhiên hóa lỏng hoặc khí tự nhiên hóa lỏng. Đây là một loại khí đốt tự nhiên chủ yếu là Methane (CH4) được thu thập từ các mỏ khí tự nhiên, sau khi thu thập được làm sạch để loại bỏ tạp chất và hóa lỏng để tồn trữ và vận chuyển dễ dàng hơn.
Trong bài viết này, hãy cùng CNG Việt Nam tìm hiểu kỹ càng về LNG là gì? Quy trình sản xuất và phân phối LNG.
1. LNG là gì? Lợi ích của LNG
Khí thiên nhiên hóa lỏng – LNG (Liquefied Natural Gas) là khí thiên nhiên có thành phần chủ yếu là CH4 – Methane (94,3%), không màu, không mùi, không độc hại, được làm lạnh tại nhiệt độ -162ºC để chuyển sang thể lỏng, do vậy chỉ chiếm 1/600 thể tích so với khí tự nhiên ở điều kiện tiêu chuẩn (15 độ C, 1 atm), thuận tiện cho việc tồn chứa, vận chuyển đến các hộ tiêu thụ xa với sức chứa gấp 2,4 lần khí thiên nhiên nén CNG.
Video giải thích về LNG là gì và quy trình phân phối LNG của CNG Việt Nam
Khi cháy, LNG có thể tạo ra ngọn lửa có nhiệt độ rất cao (khoảng 1.880 độ C) và có khả năng cháy hoàn toàn mà không để lại cặn giúp các loại thiết bị, máy móc an toàn hơn, giảm hao mòn, ít phải bảo trì và tăng tuổi thọ.
Lợi ích của LNG
LNG khi đốt cháy tạo ra ít hơn 40% lượng khí thải CO2 so với than đá và ít hơn 30% so với dầu mỏ, điều này khiến LNG trở thành nhiên liệu sạch nhất so với các loại nhiên liệu truyền thống. Chính vì vậy, LNG là nhiên liệu được nhiều quốc gia lựa chọn trong quá trình chuyển đổi năng lượng, giảm phát thải khí nhà kính.
> Liên hệ ngay với CNG Việt Nam để được tư vấn chuyển đổi sang sử dụng LNG (Khí thiên nhiên hóa lỏng)
2. Khí LNG được sản xuất và phân phối như thế nào?
Khí thiên nhiên được khai thác từ các mỏ khí hoặc là khí đồng hành trong quá trình khai thác dầu mỏ, sẽ được vận chuyển tới các nhà máy tinh lọc để loại bỏ và xử lý các tạp chất. Trong quá trình này, các hợp chất không phải là hidrocacbon sẽ bị loại bỏ, phổ biến nhất là Carbon Dioxide và Hydro Sulfide. Sau khi các tạp chất được loại bỏ hoàn toàn, khí thiên nhiên sẽ được làm lạnh ở nhiệt độ -162 độ C để hóa lỏng.
Nguồn khí LNG được nhập khẩu từ các Quốc gia có trữ lượng lớn bằng tàu chuyên dụng đến cảng tiếp nhận và tồn trữ trong hệ thống kho chứa. LNG nhập khẩu sẽ được phân phối đến các khách hàng theo 2 phương thức:
- LNG được tái hóa khí và nén vào đường ống dẫn khí cung cấp cho các khách hàng sản xuất điện, hộ tiêu thụ công nghiệp nằm trong phạm vi hệ thống đường ống.
- LNG được phân phối bởi bằng bồn chuyên dụng (LNG ISO Container) đến các trạm tái hóa khí của khách hàng nằm ngoài hệ thống đường ống khí hiện hữu.
Khi đến nơi tiêu thụ, LNG sẽ được chuyển về dạng khí tại các trạm tái hóa khí và dẫn trực tiếp đến hệ thống đốt của khách hàng.
Xe bồn vận chuyển LNG – CNG Việt Nam
Quy trình tổng quát cung cấp LNG như sau:
- Bước 1: Sản xuất/ Nhập khẩu LNG
- Bước 2: Tiếp nhận, tồn chứa LNG tại kho chuyên dụng
- Bước 3: Chuyên chở LNG đến nhà máy của khách hàng
- Bước 4: Tái hóa khí tại nhà máy của khách hàng
- Bước 5: Kết nối với lò đốt tại nhà máy của khách hàng
3. Khí LNG sử dụng để làm gì?
LNG là loại khí thiên nhiên có độ tin cậy cao và rất an toàn cho con người và môi trường. Đây là loại nhiên liệu hóa thạch sạch nhất và có hiệu quả kinh tế cao nhất. Trữ lượng LNG trên thế giới còn rất dồi dào, đủ sức đáp ứng nhu cầu tiêu thụ lâu dài, cùng một số ứng dụng phổ biến như:
- Sử dụng LNG làm nhiên liệu thay thế cho than đá trong các buồng đốt tại các nhà máy nhiệt điện.
- Sử dụng LNG làm nhiên liệu đốt cháy cho các hệ thống sưởi ấm, hệ thống sấy khô trong các khu dân cư và xưởng sản xuất thực phẩm.
- Sử dụng làm nhiên liệu thay thế cho xăng và dầu diesel trong ngành vận tải.
- Sử dụng làm nhiên liệu trong các ngành công nghiệp nặng như luyện kim, sản xuất gạch, gốm sứ…
4. Đơn vị nào cung cấp LNG?
Tại Việt Nam, PVGas là đơn vị đầu tiên và duy nhất thời điểm hiện tại đủ điều kiện xuất nhập khẩu LNG, đồng thời sở hữu kho cảng LNG Thị Vải – tổ hợp LNG đầu tiên được đưa vào vận hành tại thị trường nội địa.
Kho cảng LNG Thị Vải có khả năng tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000 m3 và các thiết bị công nghệ hàng đầu và tiên tiến nhất; với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2.
Là đơn vị thành viên của PV GAS, CNG Vietnam phụ trách hoạt động cung cấp LNG, chiếm lĩnh trên 70% thị phần và có đầy đủ cơ sở hạ tầng vận chuyển – phân phối LNG trên khắp cả nước.
Cụm kho cảng LNG Thị Vải
5. Cần làm gì để chuyển đổi sang sử dụng LNG?
LNG là loại nhiên liệu xanh có nhiều ưu điểm, bên cạnh đó nhà nước đang được điều chỉnh chính sách để thúc đẩy sử dụng LNG để góp phần vào mục tiêu cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Do đó, chuyển đổi sang sử dụng LNG sớm sẽ nhận được các cơ hội lớn.
Để chuyển đổi sang sử dụng LNG trước tiên cần thực hiện một số bước như sau:
- Bước 1: Nghiên cứu và đánh giá hiệu quả kinh tế
- Bước 2: Lập kế hoạch chuyển đổi chi tiết
- Bước 3: Chuẩn bị cơ sở hạ tầng (Trạm LNG, hệ thống Lò đốt)
- Bước 4: Huấn luyện nhân viên vận hành
- Bước 5: Đưa vào thử nghiệm, vận hành chính thức
Trong đó, bước chuẩn bị cơ sở hạ tầng, doanh nghiệp cần thực hiện như sau:
- Bước 1: Xây dựng mặt bằng trạm LNG trong khuôn viên nhà máy
- Bước 2: Kết nối từ trạm LNG tới hệ thống lò đốt
- Bước 3: Hoàn thiện các thủ tục
6. Quy trình lắp đặt trạm LNG
Trạm LNG Thuận Đạo – Long An
Đối với doanh nghiệp có nhu cầu chuyển đổi sang sử dụng LNG, CNG Việt Nam sẽ hỗ trợ tư vấn, xây dựng trạm LNG, bảo dưỡng và cho thuê (hoặc mua bán) thiết bị phục vụ hoạt động chuyển đổi năng lượng.
Quy trình lắp đặt trạm LNG như sau:
Bước 1: Khảo sát địa hình trạm
- Xác định vị trí lắp đặt trạm
- Xác định quy mô, diện tích mặt bằng: mặt bằng đặt các thiết bị (bồn LNG, tái hóa khí, gia nhiệt và điều áp).
- Khảo sát địa hình, địa chất.
- Khảo sát kết nối điện, nước, chống sét..
Bước 2: Thiết kế bản vẽ thi công
Lập hồ sơ thiết kế và thỏa thuận với khách hàng về hồ sơ thiết kế, phối hợp với khách hàng lập hồ sơ thiết kế, xin giấy phép xây dựng, phê duyệt phương án PCCC…
Bước 3: Lập tiến độ thực hiện
Lập tiến độ xây dựng, lắp đặt, kiểm định và các thủ tục pháp lý cần thiết.
Bước 4: Xây dựng mặt bằng trạm LNG
Xây dựng nền móng (chịu được tải trọng 50 tấn); hàng rào, mái che, đường điện, đường nước
Bước 5: Lắp đặt thiết bị trạm LNG
Lắp đặt PRU/bồn LNG, đường ống dẫn khí; thử áp lực; hồ sơ kiểm định thiết bị cấp khí.
Bước 6: Nghiệm thu và bàn giao đưa vào sử dụng
Phối hợp với doanh nghiệp nghiệm thu, bàn giao trạm LNG để đưa vào sử dụng. CNG Việt Nam cũng sẽ phối hợp huấn luyện nhân viên của doanh nghiệp để vận hành trạm an toàn, hiệu quả.
Tổng kết về LNG
Trong bài viết này, chúng ta đã tìm hiểu về LNG là gì? Quy trình sản xuất và phân phối LNG cũng như làm thế nào để chuyển đổi sang sử dụng LNG.
LNG là loại năng lượng xanh đã được sử dụng phổ biến ở các nước phát triển, cùng với trữ lượng dồi dào và nhà cung cấp đa dạng – LNG đóng vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam. Doanh nghiệp chuyển đổi sang LNG sớm sẽ tận dụng được các lợi thế tiên phong, đặc biệt là tiềm năng khai thác thị trường Châu Âu, Mỹ với việc vượt qua các chính sách về môi trường.
Liên hệ ngay với CNG Việt Nam để được tư vấn chuyển đổi sang sử dụng LNG ngay hôm nay.