Logo CNG Việt Nam
Search
Close this search box.
Truyền thông

Lễ khánh thành kho LNG Thị Vải

Ngày 29/10/2023, tại Khu công nghiệp Cái Mép, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và đơn vị thành viên Tổng công ty Khí Việt Nam – CTCP (PV GAS) đã tổ chức Lễ khánh thành Kho cảng Khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) 1 triệu tấn đầu tiên tại Việt Nam. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi lẵng hoa chúc mừng, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang dự, phát biểu chỉ đạo và cắt băng khánh thành.

Lễ khánh thành kho LNG Thị Vải, kho cảng LNG đầu tiên tại Việt Nam

Tham dự sự kiện, về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp có đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban, cùng đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương và địa phương.

Về phía PVN và PV GAS có Chủ tịch HĐTV Petrovietnam Hoàng Quốc Vượng, Tổng Giám đốc Petrovietnam Lê Mạnh Hùng, Chủ tịch HĐQT PV GAS Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong, cùng tổng thầu, đối tác, nhà thầu, các đồng chí trong Ban lãnh đạo Petrovietnam, PV GAS và các đơn vị thành viên, trực thuộc.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành kho cảng LNG 1 triệu tấn Thị VảiPhó Thủ tướng Trần Lưu Quang cùng các đại biểu cắt băng khánh thành kho cảng LNG 1 triệu tấn Thị Vải

Mở đầu buổi lễ, Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong đã khái quát quá trình xây dựng và đưa vào vận hành kho cảng LNG 1 triệu tấn Thị Vải.

Kho LNG 1 triệu tấn Thị Vải được khởi công xây dựng vào ngày 28/10/2019 với tổng vốn đầu tư gần 300 triệu USD, do PV GAS làm chủ đầu tư, cùng Liên danh Tổng thầu Samsung C&T và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

Sau gần 4 năm, từ khu đất rộng khoảng 5ha đã mọc lên công trình LNG “lịch sử” đầu tiên, lớn nhất và hiện đại nhất của Việt Nam với bến cảng có thể tiếp nhận tàu chuyên chở LNG trọng tải đến 100.000 DWT; bồn chứa có dung tích tồn trữ 180.000m3, đạt công suất qua kho trung bình 1 triệu tấn LNG/năm, giai đoạn 2 dự kiến nâng công suất lên 3 triệu tấn LNG/năm.

Kho LNG Thị Vải và khu vực nạp LNG cho xe bồnKho LNG Thị Vải và khu vực nạp LNG cho xe bồn

Công trình Kho LNG 1 MMTPA Thị Vải được PV GAS hoàn thành với nhiều nỗ lực vượt bậc, không chỉ là cơ sở hạ tầng LNG đầu tiên ở Việt Nam, mà còn là một ví dụ điển hình cho việc hiện thực hóa sự chuyển đổi của ngành năng lượng quốc gia.

Tính đến nay, PV GAS là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được Bộ Công Thương cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu LNG. Và CNG Việt Nam (thành viên của PV GAS) là đơn vị đầu tiên được cấp giấy chứng nhận thương nhân kinh doanh LNG tại Việt Nam và là đơn vị cung cấp LNG lớn nhất, chiếm hơn 70% thị phần.\

Đó là những mốc son đánh dấu một bước phát triển mới của PV GAS cũng như CNG Việt Nam trong lĩnh vực kinh doanh khí và các sản phẩm khí. Đây là kết quả của quá trình chỉ đạo đồng bộ và nhất quán từ Ban lãnh đạo, sự nỗ lực, đồng lòng của tập thể cán bộ công nhân viên PV GAS.

Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện khánh thành kho LNG Thị VảiPhó Thủ tướng Trần Lưu Quang và các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại sự kiện

Phát biểu tại sự kiện, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang khẳng định, nhiều năm qua, Việt Nam đã và đang phấn đấu xây dựng một cơ sở hạ tầng năng lượng phát triển và hiệu quả, trong đó khẳng định vai trò của khí thiên nhiên và các sản phẩm khí là một trong những nguồn năng lượng sạch, an toàn, hiệu quả và tiện dụng.

Bước tiến lớn trong chiến lược an ninh năng lượng của Việt Nam

Với nhiều công trình hạ tầng khí được hoàn thành và những cụm dự án lớn như: Khí – Điện – Đạm Cà Mau, Khí – Điện – Đạm Phú Mỹ, cũng như sắp tới khi Lô B-Ô Môn hoàn thành, Petrovietnam và PV GAS đã và sẽ tiếp tục có đóng góp rất lớn cho sự phát triển của địa phương về thu ngân sách, việc làm, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế địa phương.

Và hôm nay, Dự án kho khí thiên nhiên hóa lỏng LNG Thị Vải đưa vào vận hành là hạng mục quan trọng góp phần thực hiện thành công chủ trương của Đảng, Chính phủ về định hướng và quy hoạch phát triển tổng thể năng lượng quốc gia, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh, sạch và bền vững.

Kho LNG Thị VảiKho LNG Thị Vải công suất 1 triệu tấn/ năm

Việc khánh thành kho cảng LNG đầu tiên tại Việt Nam là một dấu ấn đột phá cho việc PV GAS đã thành công đa dạng hóa sản phẩm, năng lượng mới, mở rộng thị trường trong xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển, đáp ứng Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về Định hướng chiến lược phát triển năng lượng Quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Thực hiện lộ trình chuyển đổi xanh với LNG

Thông qua chuỗi dự án Kho cảng LNG, PV GAS sẽ tiếp tục giữ vị trí tiên phong trong thực hiện lộ trình “chuyển đổi xanh”, tích cực đồng hành cùng Chính phủ đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050 theo cam kết tại Hội nghị COP26.

Sự thành công của dự án có sự ủng hộ rất lớn về chủ trương, cơ chế chính sách; hỗ trợ và tạo mọi điều kiện của các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ/Ban/Ngành Trung ương và địa phương.

Xe bồn vận chuyển LNG của CNG Việt Nam tại trụ nạp LNGXe bồn vận chuyển LNG của CNG Việt Nam tại trụ nạp LNG

Kho cảng LNG Thị Vải sẽ cơ bản đáp ứng bổ sung nhu cầu năng lượng cho khu vực Đông Nam Bộ và bù đắp lượng khí thiếu hụt cho thị trường miền Bắc trong bối cảnh nguồn cung khí tại mỏ Tiền Hải, Thái Bình suy giảm nhanh và chưa có cơ sở hạ tầng kho cảng nhập LNG tại miền Bắc trong ngắn hạn.

> Liên hệ ngay với CNG Việt Nam để được tư vấn chuyển đổi năng lượng sang khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG)

Trong tương lai, PV GAS tiếp tục mở rộng cơ sở hạ tầng và hệ thống vận chuyển LNG theo mô hình “Kho cảng LNG trung tâm (LNG Hub) cung cấp nguồn khí tái hóa cho các Trung tâm Nhiệt điện khí vệ tinh trên toàn quốc” với cả 3 khu vực trọng yếu trong hệ thống năng lượng quốc gia gồm: Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Bắc Bộ/Bắc Trung Bộ.

Với 3 LNG Hub trên, dự kiến sẽ kết nối đồng bộ với hệ thống đường ống vận chuyển khí tái hóa/hệ thống vận chuyển LNG đường biển và hệ thống cung ứng LNG (đường biển/sông, đường bộ, đường sắt) đến các hộ tiêu thụ và trung tâm điện lực. Khi đó, thời gian và chi phí vận chuyển LNG đến tận lò đốt của khách hàng có thể giảm xuống và mang lại khả năng cung ứng bền vững hơn.

Share