Dưới tác động của biến đổi khí hậu, Thế giới đã và đang diễn ra xu hướng chuyển dịch năng lượng, trong đó đẩy mạnh việc sử dụng năng lượng sạch (khí thiên nhiên), năng lượng tái tạo. Đặc biệt, tại Hội nghị COP26 cuối năm 2021, cam kết của chính phủ các nước, trong đó có Việt Nam, đã tạo ra nhiều động lực thúc đẩy quá trình chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ và bền vững.
Quá trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu sẽ giúp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu, tạo ra một thế giới phát triển bền vững hơn, công bằng hơn cho tất cả mọi người, và sẽ có nhiều cơ hội hơn cho các thế hệ tương lai với không khí, nước trong sạch hơn, sức khỏe con người và điều kiện môi trường được nâng cao.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị COP26
Hội nghị COP26 – Một dấu mốc quan trọng trong xu hướng Chuyển dịch năng lượng toàn cầu:
Hội nghị lần thứ 26 của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) – một sự kiện quan trọng hàng đầu về khí hậu, đã diễn ra tại Glasgow (Vương quốc Anh) từ ngày 31/10/2021 đến 13/11/2021 với gần 200 quốc gia tham gia, trong đó có Việt Nam. Các nước tham gia đã đồng thuận với Hiệp ước Khí hậu Glasgow để đạt được mục tiêu khống chế mức tăng nhiệt ở 1.5 độ C, và hoàn thiện các phần chưa được thống nhất của Thỏa thuận Paris.
Bên cạnh việc thống nhất với Hiệp ước Glasgow, các nước, các tổ chức tham gia COP26 cũng có nhiều cam kết quan trọng, có ý nghĩa trong việc giảm phát thải, khống chế mức tăng nhiệt. Một số cam kết điển hình như sau:
- Hơn 100 Quốc gia cam kết đến năm 2030 chấm dứt nạn phá rừng.
- 40 Quốc gia cam kết loại bỏ điện than (tương đương 37% tổng điện năng trên Thế giới trong năm 2019).
- Mỹ & Trung Quốc cam kết hợp tác xây dựng chiến lược dài hạn chuyển đổi sang năng lượng sạch, năng lượng tái tạo & giảm phát thải Carbon.
- 450 tổ chức tài chính cam kết sử dụng vốn đầu tư hỗ trợ công nghệ sạch: năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, loại bỏ tài trợ cho các ngành Công nghiệp sử dụng nhiên liệu than, hóa thạch.
Bảng so sánh khí thải các loại nhiên liệu (kg/ mmBTU)
Lộ trình chuyển dịch năng lượng Thế giới:
Theo báo cáo “Fostering Effective Energy Transition” vào tháng 4/2021 của Diễn đàn Kinh tế thế giới, quá trình chuyển dịch năng lượng có thể được chia làm 3 giai đoạn chính sau đây:
- Giai đoạn 1 – Sạch hóa hạ tầng hiện tại.
- Giai đoạn 2 – Đẩy mạnh quá trình chuyển dịch năng lượng.
- Giai đoạn 3 – Mở rộng phạm vi chuyển dịch năng lượng.
Giai đoạn 1 có mục tiêu làm sạch hạ tầng năng lượng hiện tại, trong đó tập trung vào giảm thiểu phát thải, tối đa hóa hiệu suất hạ tầng năng lượng hiện tại và chuỗi cung ứng năng lượng hiện hữu. Trong giai đoạn này, khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) được sử dụng như là nhiên liệu chuyển tiếp.
Giai đoạn 2 là sự đẩy mạnh chuyển dịch năng lượng, trong đó tập trung vào việc chuyển sang sử dụng các nguồn năng lượng sạch, và thay thế các phương pháp tiêu thụ theo hướng sạch hơn, chẳng hạn như điện khí hóa phương tiện giao thông vận tải, cũng như các quá trình tiêu thụ năng lượng sưởi ấm, điều hòa, nấu ăn.
Giai đoạn 3 là giai đoạn mở rộng phạm vi chuyển dịch năng lượng, trong đó các giải pháp ở giai đoạn 2 được nhân rộng, bên cạnh đó các sản phẩm năng lượng sạch, như Hydro xanh, Amonia, nhiên liệu tổng hợp được thương mại hóa, tích hợp rộng rãi vào hệ thống năng lượng.
Tác động của chuyển dịch năng lượng toàn cầu đến Việt Nam:
Với nhận thức sâu sắc về biến đổi khí hậu và chuyển dịch năng lượng, trong Nghị quyết 55-NQ/TW ngày 11/02/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến 2030, tầm nhìn 2045, Việt Nam cũng đã đặt ra các mục tiêu cần đạt được trong ngành năng lượng, trong đó chú trọng phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng và bảo đảm an ninh năng lượng.
Đặc biệt, Việt Nam đã thể hiện nhận thức và quyết tâm của mình trong việc đối phó với tình hình khan hiếm nhiên liệu và biến đổi khí hậu thế giới qua những tuyên bố và những cam kết đáng chú ý trong Hội nghị COP26 như sau:
- Thứ nhất: Đưa ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên phải trở thành ưu tiên cao nhất trong mọi quyết sách phát triển, là tiêu chuẩn đạo đức cao nhất của mọi cấp, mọi ngành, mọi doanh nghiệp và mọi người dân.
- Thứ hai: Cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 (net-zero) vào 2050, trên cơ sở xây dựng và triển khai các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính mạnh mẽ bằng nguồn lực của Việt Nam, cùng với sự hợp tác và hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, nhất là các nước phát triển, cả về tài chính và chuyển giao công nghệ.
- Thứ ba: Tham gia cam kết từng bước từ bỏ điện than, ngừng xây dựng các nhà máy điện than mới, chuyển đổi từ sử dụng điện than sang sử dụng điện từ các nguồn năng lượng sạch.
- Thứ tư: Tham gia tuyên bố Glasgow của các quốc gia về rừng và sử dụng đất nhằm mục đích ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng, suy thoái đất vào năm 2030. Cam kết không khai thác gỗ từ rừng từ 2030.
Vai trò của CNG Việt Nam cùng Khách hàng, đối tác trong xu hướng chuyển dịch năng lượng:
Trong bối cách xu thế chuyển dịch năng lượng diễn ra mạnh mẽ trên thế giới và Việt Nam, là đơn vị tiên phong cung cấp trọn gói các giải pháp năng lượng sạch (CNG/ LNG), Công ty Cổ phần CNG Việt Nam đã góp phần không nhỏ cùng các Doanh nghiệp trong nước chuyển đổi thành công sang sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên, thân thiện hơn với môi trường & đảm bảo hiệu quả kinh tế.
Xe bồn chở khí thiên nhiên nén (CNG)
Khí thiên nhiên không chỉ an toàn, “sạch” hơn các loại nhiên liệu truyền thống (phát thải CO2 chỉ bằng 50% so với than đá), mà còn giúp Doanh nghiệp tiết kiệm chi phí bảo dưỡng định kỳ, chi phí nhiên liệu và chi phí xử lý sự cố môi trường. Trong suốt 15 năm qua, CNG Việt Nam cùng các khách hàng, đối tác đã giảm phát thải hơn 1.3 triệu tấn CO2, góp phần thực hiện “xanh hóa nguồn nhiên liệu” hướng tới mục tiêu phát triển bền vững.
Sản phẩm khí thiên nhiên nén (CNG) và sắp tới, là khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) đã được tin tưởng sử dụng làm nhiên liệu đầu vào bởi hơn 100 Doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam như: Hòa Phát, Tôn Đông Á, Vinamilk, Viglacera,…